Các loại cây tùng thường có sức sống mãnh liệt, sống lâu năm, gỗ chắc chắn, vỏ có thể tạo u cục. Vì vậy cây Tùng thường được sử dụng để làm các cây bonsai. Các loại Tùng thường được nhân giống bằng cách giâm cành hoặc chiết cành. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin hướng dẫn bạn cách trồng các loại cây Tùng bằng cách giâm cành và đặc biệt là có thể sử dụng ngay để làm cây Bonsai mini để bàn mà không cần thời gian chờ.

Ý nghĩa của việc giâm cành các loại cây Tùng bằng cách giâm cành

Các loại cây Tùng như Tùng Cối, Tùng La Hán, Tùng Tuyết, Tùng Kim Cương tuy sức sống mãnh liệt nhưng chúng ít khi ra hoa và quả, chính vì vậy cách nhân giống chúng chỉ có 2 cách chính là giâm cành và chiết cành. Nhờ cách giâm cành các loại cây Tùng mà chúng ta tiếp tục giúp cho giống cây cảnh này tiếp tục được nòi giống của nó. Không chỉ vậy nhờ cách này mà các bạn có thêm cây để chơi, dễ dàng có được một cây Tùng để trồng làm cây Bonsai mà không cần phải bỏ tiền mua từ các cửa hàng bán cây cảnh.

Sử dụng ngay để làm cây cảnh bonsai mini để bàn

Các loại cây Tùng có khả năng giữ nước rất tốt, lúc đầu chúng tôi cũng không nghĩ là điều này khả thi, tuy nhiên sau khi cắt tỉa cành cây Tùng cối chúng tôi phát hiện ra nó có thể tươi rất lâu sau khi đã rời cành. Sau khi phát hiện ra điều này chúng tôi cắt một cành Tùng có thế dáng đẹp từ cây mẹ để dùng làm cây cảnh bonsai mini để bàn, không hi vọng nó sẽ ra rễ chỉ hi vọng nó tươi hết mùa Noel, kết quả thật ngạc nhiên, nó vẫn giúp chúng tôi có được cây bonsai để chơi tới hết mùa Noel. Vì vậy bạn hoàn toàn yên tâm sử dụng ngay cây Tùng để làm cây cảnh bonsai mini để bàn mà không cần phải chờ tới lúc cây ra rễ mới đem vào sử dụng.

Có thể đặt cây Tùng trên bàn làm cây cảnh mini để bàn

Nguồn gốc ra đời của phương pháp trồng các loại cây Tùng bằng cách giâm cành

Tiếp tục câu chuyện phía trên, hết mùa Noel chúng tôi đem cây Tùng ra, thấy nó vẫn còn tươi rất nhiều. Suy nghĩ thêm một tý, các loại cây Tùng hầu như không ra hoa, vậy thì làm cách nào để nhân giống, chỉ có cách chiết cành, mà đã chiết cành được thì chắc chắn giâm cành sẽ không là vấn đề. Với trãi nghiệm trên cùng cách suy luận này chúng tôi bắt đầu giâm cành cây Tùng và làm luôn cây cảnh bonsai mini để bàn. Thành quả sau 2 tháng thì nó bắt đầu ra lá non và nhú rễ.

Thành quả sau khi giâm cành cây Tùng

Cách xử lý cành cây Tùng trước khi giâm cành

Cành giâm tốt nhất nên được tách khỏi cây mẹ bằng cách tước cành, bạn nên xem video bên dưới để hiểu rõ hơn.

Video hướng dẫn tách cành giâm khỏi cây mẹ bằng cách tước cành

Nếu bạn không muốn tước vì sợ phạm đến thân cây mẹ thì phải dùng dao cắt sau đó gọt bỏ phần vỏ cũng như gỗ của cành bị giập tại vết cắt tách cành. Sau khi tước cành giâm từ cành mẹ nếu vết tước quá dài thì các bạn nên dùng dao sắc để cắt bớt phần tước,

Cắt bớt đoạn tước của cành Tùng

Tiếp đến các bạn cắt bỏ phần lớn lá trên trên cành giâm. Không cắt hết lá mà phải giữ lại một ít để cành tiếp tục quang hợp, phải cắt bớt lá và đặc biệt là lá non, để giảm bớt quá trình thoát nước.

Xử lý cành giâm

Chuẩn bị bầu giâm để giâm cành các loại Tùng

Tùy mục đích, các bạn có muốn trồng Tùng ngay để làm cây cảnh bonsai mini để bàn hay không, trong trường hợp nếu bạn muốn thì hãy chọn cho mình một chậu sứ thật đẹp hoặc một chai nhựa có hình dáng bắt mắt. Tuy nhiên các bạn cũng có thể chọn cho mình một hũ nhựa trong suốt có chiều cao hơn 12cm, sau đó đặt chúng vào trong chậu sứ để tăng tính thẩm mỹ. Dùng hũ nhựa để giâm cành để thuận tiện trong việc giữ nước cho bầu giâm.

Tiếp đến bạn cho cát vào đầy bầu giâm, cho nước vào sao cho cát trong bầu giâm ướt đều. Khi cát trong bầu đã ướt đều bạn dùng cành cây to bằng thân cành giâm, đục lỗ trên cát, lỗ này nên có chiều sâu từ 4 đến 6 cm, đặt cành giâm vào lỗ đã đâm sẵn, nén chặt cát xung quanh gốc cành giâm.

Cuối cùng bạn đục lỗ thoát nước một cách hợp lý, đục lỗ phải chừa lại 2 đến 3 cm tính từ đáy hũ nhựa đi lên. Khoảng cách 3 cm dưới đáy để giúp cho nước luôn luôn tồn tại trong hũ nhựa, tránh bị mất nước trong quá trình chờ cành giâm ra rễ. Lỗ thoát nước không nên đục quá lớn, vì nếu lớn quá cát sẽ chảy ra ngoài.

Lỗ thoát nước và không đặt cành giâm sâu hơn lỗ thoát nước

Sau khi đã hoàn thành các bước trên, để chắc chắn hơn bạn có thể làm thêm giá thể để cố định cành giâm, giữ cho cành giâm không bị lay gốc bởi các tác động của chúng ta.

Cố định cành giâm

Hãy chia sẻ bài viết Hướng dẫn cách trồng các loại tùng bằng cách giâm cành – sử dụng làm cây cảnh bonsai mini để bàn của chúng tôi, đến đây bạn đã biết cách giâm cành các loại Tùng về cơ bản. Chúng tôi sẽ cập nhật thêm những phát hiện mới về phương pháp giâm cành cây Tùng tại đây.

4.9/5 - (8 bình chọn Bình chọn)