Để có được một cây Ngũ Sắc hoặc cây Hoa Giấy đẹp với nhiều màu sắc các bạn mong muốn, vị trí cành chi đúng nơi các bạn mong muốn, bắt buộc các bạn phải biết ghép cành cho cây Ngũ Sắc hay ghép cành cây Hoa Giấy.
Ghép cành cây Ngũ sắc là gì?
Ghép cây Ngũ sắc là một kỹ thuật trong việc cải tạo, và nhân giống cây cảnh, dùng các kỹ thuật để gắn 1 cành cây khác lên cây mà chúng ta cần cải tạo cây ngũ sắc mà chúng ta đang làm cây cảnh. Ghép cành cây ngũ sắc để làm tăng tính thẩm mỹ của cây, ghép để tăng sức sống cho cây ngũ sắc. Ghép cành cây ngũ sắc để nhân giống, đối với việc trồng cây mới trên đất thì chúng ta ghép cây lên cây ngũ sắc khác to hơn, khỏe khoắn hơn, lúc này tốc độ sinh trưởng cây ngũ sắc sẽ mạnh mẽ hơn.
Ghép cành cây hoa giấy là gì?
Ghép cành cây Hoa Giấy là dùng một cành làm mắt ghép để ghép lên cây hoa giấy chúng ta đang trồng, để cải thiện màu hoa, cải thiện lá. Đối với cây hoa giấy chúng ta ghép để cải thiện màu hoa và lá là chủ yếu. Các bạn có thể tìm những cành hoa với nhiều màu sắc rồi ghép lên cây hoa giấy đơn màu của các bạn. Các bạn có thể chọn những giống hoa giấy có mắt lá dày (loại này sẽ cho nhiều hoa hơn loại có mắt lá thưa) để ghép cải thiện cây hoa giấy của các bạn vốn có mắt lá thưa. Các bạn có thể chọn cành hoa giâý có lá nhỏ để ghép lên cây hoa giấy của bạn vốn dĩ có lá rất to che hết hoa của cây. Các bạn có thể chọn cành cây hoa giấy có lá màu cẩm thạch để ghép lên cây hoa giấy cuả các bạn, lá màu cẩm thạch chẳng khác gì hoa, trông rất đẹp mắt.

Lợi ích của việc ghép cành cây Ngũ Sắc
Cây Ngũ Sắc mọc hoang dại thông thường có mắt lá thưa, lá quá to, hoa ít, không ra hoa thường xuyên, các bạn muốn những màu hoa đúng với sở thích của các bạn, nhưng cây của bạn lại cho hoa không đúng như mong muốn của bạn. Để cải thiện những vấn đề trên chúng ta phải dùng phương pháp ghép cành cây Ngũ Sắc.

Ghép cành giúp chúng ta có được một cây Ngũ Sắc nhiều màu rực rỡ, ghép cành giúp chúng ta có được cây Ngũ Sắc lá nhỏ hơn, mắt lá dày hơn từ đó có được mật độ hoa dày hơn.
Cách ghép cành cho cây Ngũ Sắc và cây Hoa Giấy
Cây Ngũ Sắc dễ dàng ghép cành, vì sức sống của cây này tương đối cao, ra rễ nhanh. Tuy nhiên phương pháp ghép cành dễ thực hiện nhất đối với Ngũ Sắc chính là phương pháp ghép dưới vỏ, vỏ cây phát triển nhanh nên phần vỏ chúng ta tách nhanh chóng liền lại khi chúng ta ghép.
Công cụ cần thiết để ghép cành cây Ngũ Sắc cây Hoa Giấy
Nói đến ghép cành thì dụng cụ đầu tiên chúng ta cần là dao ghép, nếu không có dao ghép chuyên dụng bạn có thể sử dụng dao rọc giấy, một chiếc dao lam cắt làm đôi dùng để vát cành cành mắt ghép, một cuộn băng keo điện hoặc một cuộn băng keo ghép chuyên dụng, túi nilon trong suốt, cành cây cố định túi giữ ẩm.
Chăm sóc cây Ngũ Sắc và cây Hoa Giấy trước khi ghép cành
Khi ghép cành được ghép vào sẽ lấy dinh dưỡng từ cây để nuôi cành, nên chúng ta cần chăm sóc cây cẩn thận, nhưng tuyệt đối không tưới nước có chứa Ure cho cây trước khi ghép, vì nếu Ure chưa được cây hấp thụ hết, sẽ làm cho cành ghép bị sốc. Tưới nhiều nước cho cây trước khi ghép 2 ngày, vì chúng ta đang áp dụng phương pháp ghép dưới vỏ nên việc tưới nước cho cây là điều cần phải làm. Không riêng cây Ngũ Sắc hay cây Hoa Giấy mà tất cả những cây khác khi đủ nước chúng ta dễ tách vỏ hơn.
Tiến hành ghép cành cây Ngũ Sắc và cây Hoa Giấy
Khi đã có đủ công cụ và chuẩn bị cây chu đáo chúng ta tiến hành cắt bỏ cành cần ghép, gọt bỏ phần bị dập bởi quá trình cắt một cách gọn gàng.

Tiếp đến chúng ta cắt khúc cành làm mắt ghép có độ dài khoảng 5cm, cành làm mắt ghép phải là cành không quá già cũng không quá non. Khi đã cắt cành làm mắt ghép chúng ta tiến hành tách vỏ cành chúng ta có ý định ghép vào, phương pháp tách vỏ cành ghép mời các bạn xem video hướng dẫn tách vỏ bên dưới.
Video hướng dẫn tách vỏ khi ghép cành dưới vỏ
Khi tách vỏ các bạn nhớ tách sao cho hết phần vỏ tại vị trí chúng ta tách, nếu không tách hết phần vỏ thì phần vỏ còn dư đó sẽ phát triển thành tầng vỏ mới, lúc này chúng sẽ đẩy cành làm mắt ghép của các bạn ra, tỷ lệ thành công cũng vì vậy mà không còn cao.

Tách vỏ xong chúng ta tiến hành vát cành làm mắt ghép, chiều dài phần vát cành khoảng 0.5 cm, giống hình bên dưới.

Khi đã vát cành làm mắt ghép xong các bạn tiến hành đưa vào vị trí chúng ta đã tách vỏ, đặt vào nhẹ nhàng và từ từ ấn xuống, khi nào cắm đến phần vỏ cành đã vát thì ngưng lại.

Sau khi đã nêm mắt ghép vào chúng ta tiến hành dùng băng keo điện hoặc băng keo ghép chuyên dụng để quấn chặt để cố định mắt ghép với gốc ghép. Rồi buộc cành giữ bọc nilon, bắt buộc phải buộc vào vì chỉ cần một tác động nhỏ từ bên ngoài vào mắt ghép thì mọi công sức của chúng ta thành công cốc. Không chỉ mất công mà cây cũng bị tổn thương sau một lần ghép không thành công.

Cuối cùng chúng ta cần bọc nilon để giữ ẩm cho mắt ghép, giúp cho mắt ghép cây Ngũ Sắc và cây Hoa Giấy không bị khô, không chịu nhiều tác động của môi trường bên ngoài. Sau đó đưa cây vào bóng râm, đối với cây to các phải đưa cây tới vị trí bóng râm trước khi tiến hành các bước để ghép cây hoặc các bạn có thể dùng vải quấn xung quanh túi nilon.

Trên đây chúng tôi vừa trình bày những kinh nghiệm của chúng tôi trong việc ghép cành cây Ngũ Sắc và cây Hoa Giấy, với phương pháp này các bạn có thể ghép với nhiều loại cây khác nhau, tuy nhiên trong bài viết này chúng tôi chỉ hướng dẫn đối với cây Hoa Giấy và cây Ngũ Sắc vì hai cây này không chỉ cùng họ hoa môi mà nó còn phổ biến trong vườn của chúng ta. Các bạn nên đọc thêm bài viết Cách để có cây Ngũ Sắc đẹp giá rẻ trên website Nghethanhca.com. Chúng tôi luôn mong đợi nhận được những phản hồi của các bạn, hãy để lại phản hồi của bạn trong phần bình luận, hoặc giúp chúng tôi bằng cách chia sẽ bài viết này tới bạn bè của các bạn bằng cách bấm vào nút chia sẻ dưới mỗi bài viết.
Tuấn Bonsai
Bạn viêts riêng bài về ghép cành cây hoa giấy được không
admin
Tôi đang chuẩn bị để làm điều bạn mong muốn
Binh Tien
Cảm ơn bạn, trước tới giờ làm theo ytb thấy tỷ lệ sống rất tệ, sao họ toàn hướng dẫn cắt nước trước khi tiến hành ghép cành
admin
Chắc họ dùng phương pháp khác, còn đối với phương pháp ghép dưới vỏ thì việc tưới nhiều nước giúp cho cây no nước để dễ dàng tách vỏ hơn nhé! Các baì viết trên web đều thông qua quá trình làm thành công rồi mới đúc rút kinh nghiệm để viết bài.